Biến vỏ trái cây thành nước rửa chén (Enzyme)
Nếu có thói quen nào đó mình ước mình đã thực hiện sớm hơn trong đời thì đó là thói quen làm enzyme từ vỏ trái cây mà hằng ngày chúng ta đa số vẫn là bỏ đi. Mình cam đoan một lần biết làm enzyme này, cả đời không cần mua nước rửa chén, nước lau sàn nhà và có thể là cả bột giặt nếu các bạn vượt qua những bỡ ngỡ của việc giặt đồ mà không có bọt xà phòng.
Enzyme sinh thái là gì
Trong tiếng Anh thì bạn có thể search các cụm từ Eco enzyme hoặc garbage enzyme.
Tiếng Việt mình dịch ra là chất tẩy rửa hữu cơ hay enzyme sinh thái nhé.
Enzyme thì trong tiếng Việt gọi là men hoặc chất xúc tác sinh học
Enzyme hữu cơ là một loại dung dịch được tạo ra từ quá trình lên men các loại vỏ trái cây.
Dĩ nhiên trái cây cũng được nhưng như vậy là lãng phí vì nó còn ăn được. Vỏ trái cây, thay vì bỏ đi mình đem tái chế thành nước rửa chén, khỏi tốn tiền mua và đỡ tốn cho môi trường một cái chai/can nhựa mỗi lần dùng xong.
Công dụng
Dung dịch này sau khi lên men trong ba tháng thì có thể lọc lấy nước để dùng rửa chén, lau sàn. Một số tác dụng khác được mọi người nói đến còn là đuổi côn trùng và làm phân bón cho cây. Với mình thì sau khi rửa chén xong mình vô cùng hài lòng vì cứ phải nói là chén sạch kin kít ấy mà lại không nhớt tay. Cảm giác vô cùng thích.
Khả năng sát khuẩn của enzyme là do thành phần alcohol và/hoặc acid acetic của dung dịch.
Alcohol (ethanol) và/hoặc acid acetic acid được tạo ra bởi quá trình trao đổi chất của vi khuẩn có trên vỏ trái cây hoặc rau quả. Trong quá trình lên men, vi khuẩn lấy năng lượng từ carbohydrate trong điều kiện yếm khí (không có oxy) và tạo ra sản phẩm phụ là rượu hoặc axit axetic (tùy thuộc vào loại vi sinh vật).
Nấm men và một số loại vi khuẩn tạo ra rượu, trong khi hầu hết các vi khuẩn khác tạo ra acid acetic qua quá trình lên men. Trong quá trình sản xuất enzyme sinh thái, rượu, axit acetic hoặc cả hai được tạo ra tùy thuộc vào loại vi sinh vật có trên trái cây hoặc rau quả. Cả hai chất này có tính chất khử trùng.
Vậy bạn yên tâm là chén dĩa nhà mình rất là sạch.
3 lý do nên làm enzyme sinh thái
Bớt rác cho môi trường
Biến chất thải hữu cơ thành enzyme rửa chén giúp giảm bớt một phần chất thải bỏ đi từ nhà bếp các hộ gia đình hoặc các chợ thành một sản phẩm hữu ích.
Tiết kiệm tiền
Làm enzyme này tốn không tới 30 phút, lên men trong ba tháng và chúng ta có thể tùy ý sử dụng. Trong một năm, hai năm và nhiều năm, chúng ta vừa tiết kiệm tiền, nhưng quan trọng hơn là giúp bớt tạo ra rác, giảm bớt gánh nặng chất lên môi trường.
Tốt với da tay
Với bạn nào có làn da nhạy cảm với chất tẩy rửa, bạn nên thử dùng enzyme rửa chén để nhận ra sự khác biệt. Một người bạn của mình, do vợ bạn ấy đặc biệt nhạy cảm với hóa chất tẩy rửa mà giờ bạn ấy làm enzyme này bán cho cả thành phố Vientiane.
Công thức
Sau đây là công thức mà mình học trên mạng. Có rất nhiều trang. Mình học ở trang này vì thấy công thức này đơn giản.
1 phần rỉ mật hoặc đường nâu. Rỉ mật thì tốt hơn vì có nhiều vi khuẩn hơn. Các bạn có thể search và sẽ ra rất nhiều. Giá chỉ tầm 30.000/lít. Mình dùng đường nâu cho gọn.
3 phần vỏ trái cây. Cái này chúng ta cứ ra chợ chỗ cô/chú bán thơm xin cũng được.
10 phần nước.
Vậy chúng ta tự nhân lên theo mẫu này:
300 gram đường.
900gram vỏ trái cây
3 lít nước.
Nếu chuẩn bị đủ dụng cụ thì có khi chỉ cần 5 phút là xong. Khi làm thì nhớ ghi ngày tháng lên cái hũ để đủ ba tháng mình lấy ra lọc.
Lúc lọc cũng không cần mua rây. Mình lấy cái vỏ gối lọc xong giặt vỏ gối luôn cũng được.
6 Lưu ý:
Nếu không đủ đường thì sẽ có dòi. Lúc đó thì cách chữa là thêm đường vào, con dòi sẽ biến mất.
Dung dịch tạo ra màu gì không quan trọng. Khi dùng bạn sẽ thấy rất ok.
Cái này có thể để đến 6 tháng, 1 năm. Nó không nhất thiết là có hạn sử dụng nên bạn có thể làm thoải mái.
Phần chất còn lại sau khi lọc, bạn làm phân bón hoặc để yên trong bình, thêm vỏ trái cây vào làm mẻ khác cũng được.
Chúng ta nhớ là lên men yếm khí nên mình đậy chặt nắp. Vài ngày thì mở nắp ra một lần để cho khí gas bên trong xì ra vì nếu khí bị nén quá chặt có thể bể bình.
Chúng ta chỉ để ở nơi khô, mát ở nhiệt độ phòng. Không cần để tủ lạnh.
Nên
- Nên làm trong thùng nhựa vì nắp có thể vặn chặt.
- Các loại vỏ trái cây nên dùng: vỏ đu đủ, vỏ thơm, vỏ cam chanh.
Không nên:
- Không nên làm trong thùng kim loại hay thủy tinh vì bình không đàn hồi và có thể phản ứng với acid.
- Không dùng đồ ăn thừa, cá thịt hay giấy,…
Mình hi vọng có thể truyền cảm hứng để các bạn và các bạn thử làm tại nhà. Mình không buôn bán (có thể một ngày nào đó chăng) vì thấy cái này quá dễ để làm. Mình thích bếp nên được ở trong bếp nấu ăn, làm cho nhà cửa sạch lên khi mình có cảm hứng thì mình thấy được lên tinh thần.
2 Comments
Duy
Sao mẻ của e làm phần nước nó sền sệt, nhớt nhớt là do bị gì ạ. Xin chỉ e với
Van Pham
Chị không nhìn và cảm nhận được nên không biết nói sao. Bạn của chị tâm sự là anh ấy phải rất nỗ lực để làm được cái dung dịch nó sệt và nhớt giống như nước rửa chén của mình. Anh ấy làm bán nên chị ngại không có hỏi bí quyết nhưng nó liên quan đến việc bổ sung thêm nha đam và rau mồng tơi em. Em thử làm lại xem sao. Giờ chị làm chỉ ước lượng không còn cân nữa.