Sống Xanh

15 thói quen xanh của tôi

  1. Hạn chế, từ chối đồ nhựa dùng một lần

Mình thấy đồ nhựa không xấu, thậm chí còn bền tốt và tiện lời. Vì đồ nhựa dùng một lần tiện lợi quá nên giờ tạo ra thảm họa rác thải cho đất liền và đại dương vì tái chế được quá ít so tiêu dùng. 

Mình hạn chế dùng đồ nhựa dùng một lần cụ thể là ống hút, ly nhựa, túi nilon. Mình chủ động chọn những quán mà chủ cũng ủng hộ môi trường, dùng ly thủy tinh, ống hút thủy tinh và tránh xa những quán ngược lại. Tuy nhiên, mình vẫn thường quên dặn đừng bỏ ống hút. Khi quán để sẵn ống hút sẵb vào ly thì việc dùng hay không không còn nhiều ý nghĩa nữa

2. Mang theo rổ, túi, hộp khi chợ

Từ năm 2010 đến nay, mình đã có thói quen này. Nay thì nhà mình gần chợ nên mình thường đi chợ mỗi ngày, rau thì đựng trong rổ, cá, thịt, đậu hũ đựng trong hộp. 

Đi siêu thị thì mình chỉ đi bộ sang cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị nhỏ gần nhà. Lợi thế là gần nhà nên họ biết mặt mình, mang hộp vào mua thịt họ cũng cân cho chứ không năn nỉ bắt dùng cái bịch nilon. Tuy nhiên, mình hạn chế mua rau trong siêu thị vì hay để trên khay xốp, bọc màng nhựa.

3. Tuyệt đối hạn chế đặt đồ ăn mang đi

Mỗi lần đặt đồ ăn mang đi, nghĩ đến cảnh rau, bún, nước lèo mỗi thứ một túi nilon rồi lồng vào thêm một cái túi khác mình thấy có lỗi với môi trường quá nên lại không bấm nút. Một năm có một vài lần mình đặt đồ ăn bên ngoài tuy nhiên chắc chắn là con số dưới 5. Mỗi lần đặt đồ ăn xong nhìn thùng rác mình thật sự không thấy vui nên cũng không thích trải nghiệm này. Thà mình ra quán ăn. 

4. Tái sử dụng

Nếu chọn sử dụng túi giấy và túi nilon thì mình chọn túi nilon nhưng giặt đi giặt lại để sử dụng nhiều lần. Những cái túi có zip lock mình rửa lại để dành vì có khi cần đựng đồ ăn có thể khóa kín, đựng thịt cá trong những phần nhỏ để vào ngăn đá. Những túi này rất tiện dụng và bền chắc. Túi giấy không bền bằng túi nilon và không chắc là không gây hại cho môi trường. Mình không thích xài một cái túi giấy dễ rách, dễ nhăn nếu nó khiến cây bị chặt, rừng bị suy thoái. 

5. Gội đầu bằng bồ kết 

Hơi mất công tý vì mỗi lần muốn gội đầu, chuẩn bị hết 20 phút, chưa kể bồ kết cũng chẳng phải rẻ. Nếu so giá một lần gội đầu bằng bồ kết và một lần gội đầu với một gói dầu gội đầu 1000-2000 cơ bản thì gội bằng bồ kết mắc hơn vì tốn gas đun nước, tiền bồ kết chắc cũng 5.000 đồng chưa kể những thứ khác như vỏ cam, vỏ bưởi, lá sả. Mặc dù vỏ cam vỏ thì miễn phí nhưng mình cũng phải mua cam, bưởi ăn chứ. 

6. Tắm xà bông cục hữu cơ 

Trước đây mình tắm sữa tắm nhưng giờ đổi sang tắm xà phòng hữu cơ. Loại này từng bánh được gói trong gói giấy, không có chai nhựa nào. 

7. Tự làm nước rửa chén từ vỏ trái cây 

Mình bắt đầu làm enzyme rửa chén, giặt đồ, lau sàn nhà bằng vỏ khóm từ cuối năm ngoái và thấy thích mê vì chén bát sạch bong. Vì dùng rác nhà bếp, rác ở chợ nên mỗi lần làm được một mẻ nước rửa chén là mỗi lần mình tự hào vì giúp môi trường bớt một chút rác thải.

8. Hạn chế đồ hộp

Xưa mình hay mua kim chi nhưng mỗi lần mua là một cái hộp nhựa, không ai thu lại nên mình tự làm kim chi đã mấy năm nay. 

Mình cũng rất hay nấu mì ý nhưng mỗi lần nấu phải mua một lọ sốt. Lâu dần nhiều lọ quá mình hạn chế nấu món này hoặc tự làm sốt. 

Còn ti tỉ thứ khác mà cứ mua là đụng vào chai lọ, hộp nhựa như rượu đỏ, mình cũng hạn chế. 

9. Ủ rác nhà bếp làm phân hữu cơ 

Rác nhà bếp như vỏ cà rốt, vỏ chuối, vỏ trứng, và rất nhiều loại khác mỗi ngày thải ra mình ủ lại làm phân hữu cơ cho những chậu cây của mình. Mình hâm mộ một nhóm người mê làm vườn ở Sài Gòn và học cách ủ phân từ rác, từ đầu cá của họ. 

10. Trồng thêm rau trong vườn 

Trồng rau trong chậu, tận dụng ban công, sân thương để có mảng xanh trong nhà và khỏi phải đi chợ

Ở vườn mẹ mình thì có nhiều thứ nhưng một số trong các thứ đó là do mình trồng như gừng, sả.  Ở Sài Gòn mình trồng khổ qua, bạc hà, đậu biếc để uống trà. Mình hi vọng có thể trồng nhiều cây hơn nữa nhưng hay đi xa nên việc chăm sóc quả là thách thức. 

11. Chỉ mua đồ thực sự cần

Từ 10 năm nay hầu như mình đã không còn mua sắm cho bản thân. Mua sắm cho con mình cũng dừng lại ở mức độ đủ mấy bộ để mặc. Đồ con mặc chật mình cho lại trung tâm bảo trợ xã hội. Một số bạn bè cũng cho con mình đồ nên không phải sắm nhiều. Ba lô, giỏ nếu hư mình sẽ mua nhưng đi làm, mỗi năm cơ quan cho một món nên những thứ này cũng còn nhiều xài không hết. Sách thì mình chỉ mua những quyển thật hay và chuyển sang sách điện tử. Mình cũng đọc ở các thư viện khác nhau để không phải mua sách nữa. 

12. Đi xe đạp, xe buýt khi có thể

Mình cố gắng đi xe đạp khi có thể. Thật sự đạp xe ở Sài Gòn mình cũng thấy không khó khăn gì. Leo lên xe là cảm thấy mát ngay vì có gió. Mình cũng có vé tập xe buýt tháng và thường hẹn ở những chỗ gần trạm xe buýt để tiện đi về.

13. Hạn chế tạo ra rác 

Có tháng mình chỉ có 1 bịch rác duy nhất. Ở nhà mình có hai túi rác. Một là rác khô, đựng hóa đơn, bịch đường, bịch muối,… và hai là loại rác ướt, là loại phải bỏ đi sớm như rác nhà bếp, vỏ trái cây, đồ ăn hư hỏng. Rác khô khi đầy bịch mình đổ. Rác ướt mình cũng đợi đầy bịch nhưng thường dùng túi nhỏ để bịch mau đầy. 

14. Không bỏ pin vào rác thải thông thường 

Rác điện tử là thứ không thể bỏ lung tung. Đặc biệt pin có nhiều hóa chất độc hại bên trong nên bỏ lung tung, chất độc trong pin thấm ra đất chỉ khiến chúng ta tự hại mình. Có nhiều điểm nhận pin trong thành phố, ở siêu thị, các bạn để ý chỗ nào gần mình để mang pin đã sử dụng ra bỏ đúng chỗ nhé.

15. Không đổ dầu, mỡ xuống bồn rửa chén 

Hôm nay mình thấy cô hàng xóm của em đổ một chảo dầu còn dư xuống cống. Các bạn từng nghe nói mỡ đóng quanh miệng cống chưa nhưng mình không ngạc nhiên khi nhà nhà xả dầu dư ra bồn rửa chén. Mình không dùng khăn lạnh nhưng nếu lỡ dùng, luôn luôn mình mang về giặt và phơi lại dùng để thấm dầu. Giấy ăn bẩn mình cũng để dành để thấm dầu. Chảo dầu nếu còn mình thấm dầu thật sạch, bỏ vào thùng rác rồi rửa lại. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.