Chén dĩa mo cau của chàng trai 8X
Sinh năm 1983 và luôn đau đáu làm sao biến rác thành tiền, đúng hơn là vật phẩm có ích, Nguyễn Văn Tuyến mày mò tạo ra sản phẩm chén dĩa mo cau thay thế đồ nhựa dùng một lần.
Chén dĩa mo cau
Năm 27 tuổi, Nguyễn Văn Tuyến là đồng sáng lập một công ty thức ăn chăn nuôi từ bã mía, bã mì, vỏ lụa điều, vỏ khóm,… để làm thức ăn cho bò. Kiếm được tiền từ phụ phẩm nông nghiệp nên trong mắt Tuyến, không có thứ gì bỏ đi mà không phải là tiền. Đi đâu chàng trai ấy cũng để ý xem vùng này trồng cây gì, sản xuất gì, có phụ phẩm gì và làm sao để chúng giá trị hơn?
Năm 2018, Tuyến bán cổ phần cho đối tác Nhật Bản và tìm hướng đi mới. Lúc này, dù không còn liên quan đến nghề thức ăn chăn nuôi nhưng mối quan tâm đến phụ phẩm nông nghiệp hay đúng hơn là trăn trở làm sao biến những thứ bỏ đi thành tiền vẫn thôi thúc trong anh.
Dành sáu tháng tìm hiểu về nhiều loại nguyên liệu từ bã mía đến lá bàng biển, lá chuối,… cuối cùng chàng trai 8X quyết định khởi nghiêp với chiếc mo cau.
Cau được trồng hầu như ở khắp cả nước ta nhưng chủ yếu có nhiều ở miền Trung và tập trung nhiều nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Người dân hay chọn một vài cái mo đẹp, cắt thành cái quạt tay phe phẩy khi trời nóng. Quạt mo cau đơn giản vậy dùng được rất lâu vì bền chắc.
Mày mò trên mạng, Tuyến thấy ở Ấn Độ đã có người sản xuất chén dĩa dùng một lần từ tấm mo cau để đựng thức ăn thay cho chất liệu giấy, nhựa, xốp,… là những chất liệu tiện dụng nhưng kém thân thiện với môi trường hơn mà người tiêu dùng khắp thế đang cố gắng hạn chế.
Tháng 9-2019, những máy ép mo cau đầu tiên được nhập về để chàng trai 8X âm thầm thử nghiệm sản xuất. Tuyến tự đi thu mua mo cau để có cái nhìn chính xác tiềm năng của vùng nguyên liệu, những khó khăn của việc thu lượm, vận chuyển mo cau thủ công dựa vào nông dân địa phương.
Anh cũng tự tay sản xuất những cái chén dĩa mo cau đầu tiên để đánh giá về độ khó của việc vận hành máy móc. Càng làm, Tuyến ngày càng có niềm tin mạnh mẽ rằng dù còn khó khăn, mình đang đi đúng hướng.
Xưa nay cái mo cau chủ yếu là đồ chơi con nít, như trong bài hát Người phu kéo mo cau của nhạc sĩ Vinh Sử. Người dân hoặc để mục trong vườn hoặc gom làm chất đốt chứ chưa ai bán mua mo cau bao giờ. Với xưởng sản xuất của Tuyến, các cụ già ở nông thôn có thể đi nhặt mo cau kiếm tiền (1.000/cái) nên họ rất phấn khởi.
Chia sẻ tấm ảnh về một cụ bà đạp xe đến bán mo cau (Bà Trần Thị Mai, xã Hành Đức), Tuyến cho biết: “Những hình ảnh này làm tôi thấy vui và được động viên rất nhiều. Mình tận dụng được nguyên liệu bỏ đi, làm đất nước mình sạch hơn mà người dân có thêm thu nhập”.
Tiêu chuẩn với mo cau nguyên liệu không cầu kì: cần khô, trắng, sạch, không rách, không mốc.
Mo cau đạt chuẩn sau khi thu mua có thể trữ lại dùng dần, làm đến đâu thì đem chà rửa, tiệt trùng đến đấy. Lúc tấm mo cau còn ẩm, kỹ thuật viên đem vào máy gia nhiệt để ép thành sản phẩm theo khuôn đã thiết kế để thành những sản phẩm thay thế cho đồ nhựa dùng một lần.
Xưởng có 3 nhân viên, trong đó, một người là Tuyến. Anh thành thật cho biết: “Khởi nghiệp thì phải thế, lăn lộn vì đứa con tinh thần của mình, đi khắp nơi tiếp thị sản phẩm mà không biết mệt. Nhưng mình cũng tin rằng sản phẩm này sẽ có tương lai. Bản thân mình cũng muốn nắm rõ mọi thứ để đào tạo cho các bạn khác”.
Người vận hành máy chỉ cần đào tạo khoảng 1 tuần là thành thạo, không cần kỹ năng gì đặc biệt nhưng cần nhanh nhẹn, khéo léo và “biết nhìn” tấm mo cau để sử dụng tối ưu nguyên liệu. Mỗi tấm mo cau có thể làm ra hai sản phẩm nếu chọn khuôn với kích cỡ phù hợp tối ưu.
Thay thế đồ nhựa dùng một lần
Tháng Ba, vào mùa cau rụng bẹ, trong 10 ngày đầu, công ty của Tuyến đã mua được 5.000 cái mo cau. Mục tiêu là sản xuất của anh hơn 50.000 sản phẩm để cung cấp cho đối tác trong nước.
Với suy nghĩ, để sản phẩm nhanh đến với người tiêu dùng, siêu thị là con đường nhanh nhất, Tuyến đã tiếp thị sản phẩm với hệ thống siêu thị nhưng đôi bên chưa gặp nhau về giá. Nhận xét của siêu thị vẫn là: Giá còn cao so với đồ nhựa, đồ xốp.
Đây là một so sánh chỉ nhằm vào giá mà không xét đến những lợi ích khác của sản phẩm. Mo cau sẽ trở về tự nhiên với đất mẹ trong khi đồ nhựa, hộp xốp tiếp tục một hành trình ra đại dương hay các bãi rác, tạo thêm gánh nặng cho môi trường.
Các công đoạn hiện nay, từ chuyện chờ cây cau mỗi tháng rụng một bẹ, đi dạo vườn lượm mo cau đến khâu gia nhiệt từng sản phẩm trên máy ép, mỗi sản phẩm là một tác phẩm thủ công không cái nào giống cái này nên chén dĩa mo cau dùng một lần khó có thể bán với giá thấp hơn mức 1.000 đến 5.000/sản phẩm (tuỳ loại) hiện nay.
Khách hàng của Tuyến là những cửa hàng chuyên bán các sản phẩm thân thiện với môi trường có những người mua quan tâm thực sự nghiêm túc trong việc giảm thiểu lượng rác thải bản thân tạo ra.
Ông Christopher Dunn, một người Úc, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường (ống hút tre, túi vải,…) sống ở Hội An cho biết: Tôi rất ấn tượng với Tuyến, người thanh niên tìm tới tôi giới thiệu sản phẩm từ mo cau độc đáo do anh làm ra. Ông nói:
“Đối với tôi sản phẩm này không mới. Mo cau là vật liệu thay thế hoàn hảo cho đồ nhựa và 100% phân huỷ được. Những hàng mẫu Tuyến đưa tôi ngày hôm trước được bán hết phân nửa vào ngày hôm sau. Sản phẩm từ mo cau là mặt hàng bán chạy nhất ở quầy hàng của tôi ở chợ phiên hữu cơ Hội An và Phiên chợ nông dân Đà Nẵng. Tôi rất mừng vì Tuyến đã liên hệ với mình. Giờ đây chúng tôi có thể làm việc cùng nhau để quảng bá sản phẩm rất Việt Nam này vì lợi ích của môi trường”.
Khách hàng đến tham quan xưởng góp ý: sản phẩm đẹp, của một đồng mà công một nén, nếu nên cần nghiên cứu them để chén, dĩa mo cau có thể sử dụng nhiều lần hơn thay vì chỉ một lần. Đây cũng là một trong những mục tiêu trong tương lai của Tuyến.
Chàng trai 8X lỡ yêu mo cau này cũng đang xây dựng các quy trình chuẩn về tiêu chuẩn về nguyên liệu, quy trình sản xuất để tận dụng tối đa tấm mo cau, ít sản phẩm lỗi, đào tạo nhân viên, quản lý chất lượng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm đầu ra.
Có nhiều người hứng khởi với ý tưởng kinh doanh từ mo cau và đã liên hệ với Tuyến để chuyển giao quy trình. Tuyến cho biết, anh rất muốn nhiều người cùng tham gia vì với anh, biến rác thành tiền luôn là điều hứng khởi. Nhiều người, nhiều ý tưởng, sẽ có nhiều sản phẩm từ các nguyên liệu khác như lá chuối, bẹ chuối, bã mía,… ra đời.
Ban đầu, thấy có người đi thu mua mo cau, một sản phẩm địa phương dồi dào nhưng coi là đồ bỏ, thấy lạ chính quyền địa phương xã Hành Đức, Huyện Nghĩa Hành, ở Quảng Ngãi quan tâm hỏi rõ. nhưng rồi thấy ý tưởng kinh doanh của Tuyến và quyết tâm thành lập ngay xưởng sản xuất ở vùng nguyên liệu Hành Đức, họ rất ủng hộ.
Anh Nguyễn Sĩ Hải – Phó Chủ tịch xã Hành Đức, Tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tôi đã xem sản phẩm đồ dùng một lần từ mo cau rồi và rất ấn tượng. Ở Hành Đức người dân trồng cau rất nhiều, việc thu mua mo cau tốt cho dân chứ không có hại gì.
Xưa nay chỉ trái cau là bán được, mo cau bị bỏ đi hoặc làm chất đốt. Thật ra, thách thức của xưởng là việc vận chuyển nguyên liệu. Hiện giờ các cụ lớn tuổi có thể đi tìm, lượm mo cau, có thu nhập thêm. Nếu tương lai sản xuất nhiều hơn thì điều này sẽ là thách thưc. Biến mo cau từ rác thành đồ dung hữu ích là tốt rồi, nhưng nếu có thể tìm hướng ra để tận dụng nữa thì còn tốt hơn nữa”.
2 Comments
Đinh Văn Bảy
Anh còn thu mua mo cau nữa không
Van Pham
Dạ còn.
Bạn liên hệ qua facebook này nhé: https://www.facebook.com/tuyenmocau