1. Sư cô Thích Tâm Trí phát lộc và quà thiện nguyện cho người lao động Việt Nam gặp khó khăn trong dịch COVID-19 tại Nhật Bản
Ghi chép

Sư cô Thích Tâm Trí cưu mang thực tập sinh Việt ở Nhật Bản

23h30 ngày 9-10, đắp miếng cao dán lên trán, sư cô Thích Tâm Trí kết thúc một ngày tất bật của mình trên một tấm chiếu tatami ở Chùa Đại Ân HONJO tỉnh Saitama, một trong 10 ngôi chùa, đạo tràng Việt Nam ở Nhật Bản.

Nương nhờ cửa Phật

Dịch COVID-19 làm cuộc sống của cô tất bật hơn, phải đi lại như con thoi để kết nối, giúp giải tỏa bớt một phần khó khăn của người Việt Nam ở xứ phù tang. Sáng ngày 9-10, sư cô đến Đại sứ quán Việt Nam để đại diện ký kết hợp đồng giúp các thực tập sinh người Việt không có chỗ ở tiếp tục được ở trong kí túc xá.

Trước đó một ngày, cô và thầy Yoshimizu Gakugen đi xem tòa nhà OImachi ở quận Shinagawa, một tòa nhà cũ ở trung tâm Tokyo do ông Inaba Tsuyoshi chủ tịch Hội hỗ trợ người nghèo cho mượn để người Việt gặp khó khăn ở tạm đến tháng 3-2021.

Sư cô cho biết: người Việt từ các tỉnh xa lên Tokyo đợi về nước, làm giấy tờ với Cục Xuất nhập cảnh thường xin ở nhà bạn bè người thân do đã hết tiền, mất việc trong nhiều tháng. Nhưng nay, trong dịch COVID-19, bạn bè người thân cũng khó khăn, khốn đốn, ngôi nhà tạm, ở ngay trung tâm, đủ chỗ cho 30-50 người, đã được hội Phật tử đảm nhiệm chi trả điện, nước, gas, sẽ giúp họ yên tâm phần nào.

Từ tháng 3-2020 đến nay, sư cô Thích Tâm Trí cùng đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các hội đoàn, tự viện, doanh nghiệp, mạnh thường quân và các Phật tử ở Nhật… đã lo chỗ ở tạm, lương thực hằng ngày, hỗ trợ tinh thần cho hàng trăm thực tập sinh, người lao động Việt gặp cảnh ngặt nghèo do dịch bệnh.

Nhà chùa cũng huy động và nhận được 57 tấn gạo và 2800 thùng mì gói do Ban từ thiện trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam gửi sang, khẩu trang, nước mắm xì dầu, hàng trăm tấn lương thực khô để chuyển đến hàng chục ngàn người Việt có hoàn cảnh khó khăn ở Nhật.

Dịch COVID-19 đã làm tất cả các công ty lớn nhỏ gặp khó khăn. Đúng ngày 25-3, khi các thực tập sinh hết hạn hợp đồng về nước, thì Nhật Bản hạn chế nhập cảnh, các tuyến đường hàng cũng bị ngừng do lệnh đóng cửa biên giới của các nước. Số thực tập sinh này đã kẹt lại Nhật và thất nghiệp 6-7 tháng. Những người trốn ra ngoài có thể bị thất nghiệp cả năm.

Chỗ dựa cho thực tập sinh

“Tôi thường nói với người Nhật về các bạn trẻ Việt Nam, họ rất có nghị lực, lòng yêu thương, đặc biệt tình cảm gia đình, lòng hiếu thảo của người con Việt Nam. Họ sang Nhật với ước mơ học tập, tìm được kinh tế giúp gia đình, giúp cha mẹ bớt khổ, có một số vốn khởi nghiệp khi trở về. Làm được bao nhiêu tiền họ cũng gửi về cho gia đình”.

Khi dịch bệnh xảy ra, khó khăn đầu tiên nhất đối với người lao động Việt là thất nghiệp, sau đó là không có tiền. Nhiều bạn bị lấy lại nhà trọ, phải đi ở nhờ rất bấp bênh trong khi muốn về nước cũng không được vì chuyến bay bị hạn chế.

Từ đóng góp của cộng đồng, nhà chùa Đại Ân đã gửi phát theo địa chỉ 6.000 phần quà với công ty vận chuyển Yamato và đến trực tiếp 30 trường tiếng Nhật, trường Chuyên Môn, Trường Cao Đẳng, Trường Đại Học nơi có sinh viên Việt Nam để thăm hỏi chia sẻ động viên, phát lộc phát quà trong chương trình “món quà yêu thương” mà sư cô đã khởi xướng. Những chuyến xe đi khắp Nhật Bản đã phát 16.500 suất quà là thực phẩm, tổng giá trị gần 7 tỉ đồng.

1.	Chùa Đại Ân và sư cô Thích Tâm Trí đã nhận được 57 tấn gạo và hàng trăm tấn lương thực khô để chuyển đến hàng chục ngàn người Việt có hoàn cảnh khó khăn ở Nhật - Ảnh: NVCC
Chùa Đại Ân và sư cô Thích Tâm Trí đã nhận được 57 tấn gạo và hàng trăm tấn lương thực khô để chuyển đến hàng chục ngàn người Việt có hoàn cảnh khó khăn ở Nhật – Ảnh: NVCC

Chia sẻ với tôi, sư cô cho biết: “Tôi không tự hào về các con số đã làm từ thiện, mà tôi tự hào về tinh thần tương thân tương trợ của người Việt. Khi khó khăn là người Việt làm từ thiện mãnh liệt vì đồng bào mình” và nói thêm: đi đến đâu, các thầy cô giáo người Nhật cũng rất ngạc nhiên. Họ hỏi: Tại sao cũng trong dịch COVID-19, cộng đồng nào cũng khó khăn nhưng riêng cộng đồng người Việt lại có sự chia sẻ, giúp đỡ rầm rộ như vậy.

Sư cô Thích Tâm Trí nhập tự tại chùa Đại Ân, cách Tokyo khoảng 120km tháng 1-2018 sau gần 20 năm học tập và làm việc Phật sự tại Nhật.

Năm 2011, trong trận động đất, sóng thần kinh hoàng ở miền đông bắc nước Nhật, chùa Nisshinkutsu ở Tokyo của Hoà Thượng Yoshimizu Daichi, nơi sư cô tu học làm Phật sự, nhận 84 người Việt vào tạm trú trong lúc chùa chỉ có 2 kg gạo.

Nhờ sự việc được đưa lên mạng xã hội nên nhiều người Việt trong cộng đồng biết và mang thực phẩm đến ủng hộ. Sau một tháng, có người về lại trường, có người về nước, có người về lại công ty, nhà chùa còn dư 400kg gạo. Sư cô đem số gạo này phát lại cho bà con người Nhật gặp khó khăn.

Từ đây, cô cũng gắn cuộc đời mình với các hoạt động giúp đỡ cộng đồng, không chỉ người Việt mà cả người Nhật, như phát túi ngủ, phát thức ăn, làm chả giò cho người vô gia cư. Trực tiếp đến tận nơi xảy ra động đất sóng thần cầu siêu cho người tử nạn sớm siêu thoát, và động viên thăm hỏi những nạn Nhân do động đất sóng thần 11.3.2011.

Nhiều năm hỗ trợ lao động Việt Nam

Các năm 2017, 2018, 2019 là các năm bận rộn nhất của sư cô vì phải liên tục đi tương trợ các thực tập sinh người Việt. Nhu cầu rất đa dạng, có người kết hôn, có người cần thờ phượng cha mẹ qua đời, nhưng đau đớn nhất là các trường hợp bị đột tử, tai nạn tử vong. Trong đại dịch, các trường hợp đột tử càng hiu quạnh hơn khi gia đình không thể sang thu xếp hậu sự. Nguyễn Hữu Toán (sinh năm1998), ở Nghệ An, một thực tập sinh không may chết do sạt lở đất trong bão tại Nhật vài ngày 6-9-2020 là một trong những trường hợp mới nhất được sư cô làm lễ cầu siêu hỏa táng.

Thay mặt gia đình, sư cô và nhà chùa làm các việc hậu sự cho Toán và gửi tro cốt về Việt Nam trong chuyến bay ngày 30-9.

Chỉ riêng các trường hợp đột tử mà sư cô Thích Tâm Trí giúp đỡ từ tháng 4-2020 đến nay là 18 trường hợp. Trong 3 năm 2017, 2018, 2019 là 150 trường hợp.

Với 20 năm sinh sống ở Nhật, sư cô Thích Tâm Trí cho biết: “Tôi thường nhắn nhủ với các thực tập sinh đừng coi thường sức khỏe, tôn trọng pháp luật khi đi làm tại Nhật” nhưng qua truyền thông Nhật Bản, tôi cũng chia sẻ rằng Nhật Bản cần lao động nước ngoài nên các chính sách cần tôn trọng nhân quyền và đảm bảo phúc lợi tốt cho khoảng 162 vạn người lao động nước ngoài ở đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.