hoa mẫu đơn peony
Ghi chép

Khi nói về xâm hại tình dục

Nếu con người không có khả năng cố quên những gì không muốn nhớ, có lẽ chúng ta sẽ chết vì những nỗi đau. Một trong những nỗi đau tôi tưởng đã quên nhưng mỗi khi vì lý do gì đó tình cờ phải nhớ, tôi vẫn thấy như ngạt thở, đó là nỗi đau bị xâm hại tình dục. 

Khi chạm vào ký ức đó, tôi của hiện tại vẫn cảm thấy phẫn nộ thay cho tôi thưở bé thơ. Nhớ lại bàn tay đã động chạm lên cơ thể tôi ngày bé thuộc về bộ mặt của những người thân, quen, ghê tởm, căm giận đều như tăng lên gấp đôi.

Nghĩ về những gì họ đã làm thật khó khăn. Tôi vẫn không thể viết những gì đã xảy ra thành dòng hay kể ra thành lời vì dường như nếu viết xuống hay nói ra thì chuyện đã xảy ra có thể khắc sâu hơn vào ký ức. 

Không như khoảng khắc với người yêu dấu mà ta cố nhớ lại cả trăm ngàn lần trong đầu óc mình, kí ức bị xâm hại lì lợm ở đó dù ta luôn cố quên thậm chí không muốn nhớ. Gần đây, dù biết là quá sức nhưng lần đầu tiên, tôi thực sự nghĩ về những gì tệ hại đã trải qua trong tuổi thơ mình. 

Tôi tự hỏi vì sao mình chưa bao giờ kể chuyện này với bố mẹ? Câu trả lời, thật đáng tiếc là nhiều hơn một. Dường như tôi không đủ thân với bố mẹ. Tôi không biết sự việc dơ bẩn đó được gọi tên là lạm dụng tình dục. Tôi không nhớ người thực hiện hành vi đó, một người đã trưởng thành hoặc gần tuổi tưởng thành có đe dọa gì mình không, mình có sợ không nhưng biết chắc đó là một người họ hàng. Điều cuối cùng tôi chắc chắn có lẽ là mình chưa bao giờ được ai dặn về những nơi riêng tư trên cơ thể mà không ai được động chạm tới. 

Bài học về quyền riêng tư của cơ thể, hay giáo dục giới tính, có lẽ là một trong những bài học quan trọng mà bố mẹ hoặc người giám hộ cần thảo luận với trẻ em thật sớm. Nhưng bài học này sẽ ít phát huy tác dụng nếu người lớn thường xuyên vắng mặt trong cuộc đời của trẻ, không thực sự là người bạn hoặc người đáng tin cậy để trẻ có thể chia sẻ những “bí mật” hoặc những điều khó nói. Chẳng ai muốn kể một chuyện khó nói ra để rồi bị gạt phắt hay bị nghi ngờ.

Dẫu là con nít, trẻ cũng cảm nhận được sự tôn trọng khi được lắng nghe, chia sẻ cảm xúc và đối thoại ngang bằng vì phải đủ niềm tin trẻ mới kể cho chúng ta nghe việc đã bị xâm hại tình dục.

Nói về xâm hại tình dục khó khăn như thế nào, để hình dung, chúng ta hãy tưởng tượng chính mình, khi đã lớn. Ở tuổi đủ 18 hoặc lớn hơn, nhiều người trong chúng ta vẫn thường đứng trước những hoàn cảnh mình hoặc bị lạm dụng tình dục hoặc chứng kiến người khác bị lạm dụng.

Trường hợp thứ nhất, đôi khi vì cả nể, vì ở vị trí thấp hơn, vì không có sức mạnh hoặc quyền lực chúng ta nhìn mặt đối tượng mà phản ứng, đôi khi chấp nhận một số hành vi thuộc dạng “không quá đáng lắm”.

Ở trường hợp thứ hai, chúng ta đôi khi không dám ra tay giúp đỡ, tự an ủi rằng có ai nhờ ai bảo đâu mà can thiệp. Trong cả hai trường hợp, chúng ta hoặc để mình là nạn nhân (ở một mức độ nào đó) hoặc chứng kiến người khác thành nạn nhân của lạm dụng, quấy rối hoặc xâm hại tình dục. Vì chúng ta không lên tiếng, những kẻ này vẫn nhởn nhơ. Những khó khăn với chúng ta khi đã lớn càng đúng với trẻ con. Thậm chí chúng còn gặp khó khăn hơn do không đủ sự trưởng thành, kinh nghiệm hoặc hiểu biết để gọi tên những hành vi này. 

Khi người bị xâm hại là người ta yêu thương

Một người tôi rất yêu thương kể với với tôi về việc em bị xâm hại khi còn bé, không phải một lần mà là nhiều lần, bởi những người khác nhau. 

Câu chuyện làm rất nhiều thứ bên trong tôi vụn vỡ. Tôi nhớ lúc đó mình không đủ sức để nghe đến kẻ khốn kiếp thứ ba và những kẻ sau đó nữa. Em chia sẻ rằng mình đã quên, và cả tha thứ, nhưng tôi thì căm phẫn vì em là người mà tôi yêu thương. 

Chính tôi cũng đã bị xâm hại khi còn nhỏ nhưng dường như vẫn có sự khác nhau về mức độ, 2 hoặc 3 kẻ xâm hại, hành vi diễn ra một vài lần khác với nhiều tên và nhiều lần. Chỉ nạn nhân mới hiểu Mỗi lần bị xâm hại đều để lại những vết thương thực như có thể sờ, chạm với chúng ta.

Chúng ta không thể ước những gì đã xảy ra đừng xảy ra nhưng chúng ta có thể góp phần làm cho hành động xâm hại không còn đất sống bằng cách giáo dục sớm trẻ em và lên tiếng để bảo vệ những người bị xâm hại, xử lý những kẻ xâm hại và có khung pháp lý tốt hơn tội xâm hại tình dục

Nói chuyện cùng con

Từ những câu chuyện tường thuật trên báo chí, chúng ta có thể thấy những lý do mà trẻ đã không kể với bố mẹ khi bị xâm hại. 

  • Bố mẹ không tin. 
  • Bố mẹ quá bận để lắng nghe. 
  • Con và bố mẹ không gần gũi nhau nên không có gì để nói. 
  • Con sợ
  • Con không biết thế nào là xâm hại và không biết mình đã bị xâm hại. 
  • Con không dám nói vì bị kẻ xâm hại dọa dẫm.
  • Con được cho tiền, cho bánh kẹo để bù đắp

Tôi có một bé trai mà tôi muốn bảo vệ và che chở bằng cả cuộc đời mình. Tôi không muốn phải rơi vào bất cứ trường hợp nào ở trên. Tôi cố gắng khi có thể, có cuộc trò chuyện như bạn với con, khi còn cần sự bảo vệ.  Một ngày nào đó, khi con lớn lên, con biết rằng, mẹ đã ở đó. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.