Khu nhà trọ của lao động Việt Nam không giấy tờ ở Thái Lan
Ghi chép

Lao động Việt Nam không giấy tờ lao đao vì COVID-19 ở Thái Lan

Từ ngày 1-8-2021, Thái Lan bắt đầu tiêm vắc xin cho người nước ngoài. Nhiều người Việt Nam không có giấy tờ hợp pháp cũng đã được tiêm vắc xin tuy nhiên, khó khăn lớn hơn với họ là bị thất nghiệp dài hạn, không còn tiền trả tiền trọ trong khi người thân ở Việt Nam cũng gặp khó khăn về kinh tế do dịch bệnh trong nước khó lòng hỗ trợ thêm.

Sang Thái Lan, đất nước nổi tiếng về du lịch nhưng nhiều người lao động Việt Nam ở đây chỉ biết làm từ sáng đến tối, chưa bao giờ đi đến một điểm vui chơi, giải trí nào, không biết Thái Lan đẹp ra sao.

Mong hết dịch để đi làm

Sống tại Silom, một khu kinh doanh tấp nập ở thủ đô Bangkok, nhưng cô T.TM (sinh năm 1963) mới lần đầu được sống một mình một phòng trọ. Tuy vậy, cô không vui. Do đại dịch COVID-19, cô đã thất nghiệp 4 tháng nay.

Phòng trọ của cô M có giá thuê là 3.500 baht, nay giảm giá còn 3.000 baht. Đây là nơi ở của 3-4 người lao động Việt sang Thái làm thuê, tất cả đều đi làm từ sáng đến khuya, có khi người này về ngủ người kia đi làm, cả tuần không gặp mặt.

Bạn cùng phòng với cô M đã về lại Việt Nam. Riêng cô M vì không còn tiền nên quyết định ở lại, kết hợp giữ đồ đạc của mọi người, hi vọng dịch sớm hết.

“Mỗi lần tôi sang Thái Lan là xác định đi 1-2 năm mới về. Cho đến tháng 4-2021, tôi vẫn còn đi đóng dấu hộ chiếu nhưng từ đó đến nay thì không còn tiền nuôi hộ chiếu nên để hộ chiếu “chết” luôn”.

Cô M cho biết tháng trước, một người cháu sống ở tỉnh (do các tỉnh không bị dịch nặng như Bangkok), còn đi bán hàng được nên cho cô mượn 2.000 baht đóng tiền trọ (Chủ trọ đồng ý cho cô M nợ một nửa tiền phòng). Tuy nhiên, nay dịch cũng mạnh lên ở các tỉnh, cháu không còn đi bán hàng được nữa nên kỳ đóng tiền tới, ngày 19-8 chưa biết tính sao.

Cô M nói thất nghiệp dài ngày, không có tiền, ngại gặp chủ nhà thì cũng không có chỗ đi do COVID-19. Gặp mặt họ cũng kể là phải đóng tiền điện, tiền nước và hỏi “có tiền không” thì trả bớt. Trước đây xóm trọ đông người, khi khó khăn có người này, người kia cho mượn tiền nhưng nay nhiều người đã về trong khi những người ở lại thì ai cũng khó khăn do thất nghiệp.

“Tôi chỉ mong sao dịch bệnh sớm qua để đi làm trở lại”, cô M cho biết.

Cô M đã được 2 nhóm thiện nguyện của Thái giúp đỡ, cho gạo, mì, cá hộp, rau củ và trứng.

Trước đây, khi có việc, mỗi tháng cô gửi cho gia đình con trai khoảng 5.000 baht, gia đình con gái khoảng 2.000 baht để phụ nuôi các cháu. Những dịp như nhập học, làm nhà, sinh đẻ,…cô còn vay thêm bạn bè để gửi về nhiều hơn. Đi làm có tiền nhưng không khi nào trong túi cô có nhiều tiền vì đều gửi về quê.

Được trục xuất càng mừng

P.T.L sang Thái Lan tháng 1-2021. Thời điểm này, Thái Lan đã đóng cửa biên giới với quốc tế gần cả năm nên cô đi bằng đường “chui”, nằm trong hộp xe để sang Lào rồi sang Thái.

L cho biết ngày 12-4, cô đang làm ở quán thì công an đến kiểm tra. Từ đấy, L ở tù khoảng 60-70 ngày, không nhớ chính xác. Thường người lao động không giấy tờ bị bắt ở tù ở Thái Lan sau đó sẽ bị trục xuất về nước nhưng có thể do tình hình dịch bệnh COVID-19, L được tại ngoại sao khi đóng tiền bảo lãnh.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cho biết theo quy định của pháp luật Thái Lan, người bị bắt do lao động trái phép sẽ bị xét xử, thi hành án phạt sau đó bị tạm giam cho đến khi được trục xuất về nước. Trong thời gian tạm giam chờ trục xuất, họ có thể được bảo lãnh tại ngoại nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nhưng vẫn sẽ phải làm thủ tục trục xuất bình thường khi có chuyến bay.

L cho biết nếu bị trục xuất thì cô thậm chí không lo mà còn mừng vì đã muốn về Việt Nam từ lâu nhưng không có tiền. Trường hợp của cô, nếu không bị trục xuất thì chỉ có cách đi “chui” về Việt Nam do hộ chiếu không được đóng dấu nhập cảnh.

Đến trước tháng 4-2021, có khi L làm một lúc 3 công việc. Một ngày của cô bắt đầu từ 4h30, khi có thể ngả lưng là khoảng 2h sáng hôm sau. Chỗ làm toàn là các quán lề đường nên mùa mưa thì dầm mưa, mùa nắng thì dầm nắng. Có khi 1-2 giờ đêm vẫn đội mưa ướt sũng để rửa chén và đạp xe về.

Ở tù ra, L đi tìm lại các chủ hàng quán trước đây nhưng người thì về quê, người thì ngưng bán và do các lệnh hạn chế phòng dịch COVID-19 nên cô không có việc.

L vẫn ở phòng trọ cũ, chủ nhà đã giảm giá 30% nên mỗi tháng chỉ còn phải đóng khoảng 1 triệu đồng nếu tính theo tiền Việt. Hiện nay L đang sống bằng các phần hỗ trợ từ thiện từ cả người Thái Lan và đồng hương Việt Nam.

L đã được tiêm một mũi vắc xin phòng COVID-19 trong tù do nhà giam của cô bị bùng phát dịch. Tuy nhiên, mới đây, L bị ho, sổ mũi nên tự cách ly trong phòng trọ. L được nhóm từ thiện cho thuốc, ngoài ra cô tự xông, súc nước muối để giảm triệu chứng.

Ngày 13-8, nói chuyện cùng tôi, L cho biết bệnh có đỡ nhưng cô thường xuyên bị chóng mặt và mới bị té cầu thang ngày hôm trước “may mà không sao”. Thấy hoàn cảnh khó khăn, ăn uống thiếu thốn, tôi có đề nghị giúp L một ít tiền nhưng cô nhờ tôi gửi số tiền cho chồng mình ở Việt Nam vì cả nhà đã thất nghiệp 2 tháng nay, hai con gái nhỏ cũng thiếu ăn. L là lao động chính trong gia đình, chồng làm phụ hồ, mẹ chồng bán vé số.  Trước đây cô thường gửi về 5-7 triệu đồng/tháng nhưng nay đến bản thân còn không lo được cho mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.