nấm rừng đà lạt
Ghi chép

Cách ly nữa, cách ly mãi – Làm quá

Không có nhiều nơi trên thế giới dán bảng “nhà có người cách ly y tế” trước nhà người dương tính với COVID-19 nhưng ở Việt Nam, thì nhà của họ chẳng những bị dán bảng mà còn bị giăng dây.
Một số nơi, nhà là F1, F2 cũng bị phong tỏa, dán nhãn. Một sự làm quá khó hiểu.

Vì để con về học tập tại trường cũ, với bạn cũ, mình được địa phương đưa về cách ly y tế tập trung từ ngày 17-9. 

Trước khi về, ngày 16-9, mình và con đã làm xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2. 

Tại khu cách ly, trước khi nhận phòng, mình và con tiếp tục được làm xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR ngày 17-9, kết quả vẫn âm tính. 

Kết thúc cách ly tập trung, ngày 30-9, mình lại được làm xét nghiệm PCR kết quả vẫn là âm tính. 

Sau 14 ngày cách ly, những người đã cách ly tập trung tiếp tục được về nhà, bàn giao qua y tế phường để cách ly và theo dõi sức khỏe thêm cho đến khi có thông báo mới. 

Vì gia đình buôn bán, không muốn việc bị dán bảng “có người cách ly y tế tại nhà” làm khách hàng hoang mang, mình muốn đi tìm khách sạn để vừa nghỉ ngơi vừa cách ly. Tuy nhiên, không có nơi nào nhận mẹ con mình dù hiện nay, cuộc sống ở Đà Lạt đã trở lại bình thường. 

Mình rất hiểu băn khoăn của các chủ khách sạn vì kể cả khi không có khách đang lưu trú, tấm bảng chắc chắn sẽ khiến người dân chòm xóm hoang mang. Đây cũng chính là sự lo ngại của gia đình mình.

Cuối cùng, mình chọn cách ly tại nhà dì của mình, cuối một con hẻm cụt.

Từ khu cách ly, mình được đưa về trạm y tế phường. Tại đây, mình phải điền vào một mẫu với nội dung cam kết tự cách ly tại địa chỉ nhà dì. Nhiều người cùng điền một lúc, không giữ khoảng cách nhưng không vấn đề lắm, tất cả mọi người đều xét nghiệm âm tính xong ở cùng một địa điểm.

Sau đó, biết mình phải đi bộ về nhà, một dân quân chở mình về nhà dì. Em dân quân 21 tuổi hẹn ngày hôm sau sẽ xuống dán bảng và đưa quyết định cách ly tại nhà. 

Lý do của việc này được giải thích là để cả cộng đồng tham gia giám sát nếu người đang phải cách ly có tuân thủ các hướng dẫn của việc cách ly hay không. Cái được của việc này là tai mắt của cộng đồng ở mọi nơi, mọi chỗ nên ai vi phạm là bị tố giác ngay. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc bị láng giềng kỳ thị, tổn thất đến việc kinh doanh của gia đình, nếu có, thì không ai đo đếm hay ước lượng. Có lẽ khi cả hệ thống chính trị đều vào cuộc chống dịch, việc này không được ưu tiên hay lưu ý. 

Thú thật mình chưa hiểu cơ sở của thực hành này. Có bằng chứng gì cho thấy đại đa số người tự cách ly không tuân thủ các quy định cách ly để phải thực hiện biện pháp thuộc dạng “cuối cùng” như thế? 

Ngoài ra, bản thân người được cách ly đã tự nguyện kí vào một bản cam kết tuân thủ quy định cách ly và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong tư cách một người có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân. Sao không để họ tự chịu trách nhiệm. Một cái bảng với người này không là gì nhưng người khác là cả vấn đề.

Không biết các bạn người Việt Nam sống ở những nơi khác trên thế giới lỡ bị dương tính, hoặc là trường hợp tiếp xúc gần F1, F2 thì thế nào. Bản thân mình khi sống ở TP.HCM giai đoạn thành phố bùng dịch có ít nhất 2 lần là F1 nhưng khi chủ động báo lên y tế phường thì phường cũng dặn tự theo dõi y tế, thế thôi. Thời gian đó cũng không ai ra khỏi nhà nên rủi ro cũng ít. 

Tổ chức y tế thế giới và các chuyên gia dịch tễ đều ủng hộ việc giám sát, truy vết nhưng phải thực hiện một cách khoa học, hiệu quả, theo bằng chứng và số liệu chứ không phải nghi 1 con gà dương tính thì phong tỏa cả khu rừng. Huống hồ yếu tố dịch tễ duy nhất của mình là: Về từ vùng dịch, đã nhiều lần âm tính xác định thì việc yêu cầu cách ly mà không thông báo thời điểm kết thúc và việc làm quá mức cần thiết, 

Theo mình, các địa phương dù là vùng dịch hay chưa bùng dịch, nên làm theo kinh nghiệm của thế giới: 

  1. Tập trung củng cố hệ thống y tế, đảm bảo khả năng điều trị khi số ca nhiễm tăng lên. Khi số ca nhiễm đe dọa hoạt động của hệ thống y tế thì áp dụng các chính sách can thiệp như lệnh ở nhà ngắn hạn. Điều trị F0 có triệu chứng nhẹ và vừa tại nhà và đảm bảo họ có thể nhanh chóng nhập viện điều trị ngay khi cần thiết là một cách dưỡng sức cho hệ thống y tế và tiết kiệm nguồn lực.
  2. Bảo vệ người có rủi ro nhiễm bệnh và mắc bệnh nặng như người già có bệnh lý nền, nhân viên tuyến đầu, nhân viên y tế bằng cách chính sách và biện pháp cụ thể.
  3. Tăng cường tiêm vắc xin để nhanh chóng đến mục tiêu 70-80-90% người được tiêm để hạn chế sự lây lan và giảm ca bệnh nặng
  4. Sống chung với COVID-19 một cách an toàn, chấp nhận một số rủi ro của việc mở cửa nhưng không đóng cửa cực đoan.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.